Vĩnh Nghiêm Bắc Giang

Vĩnh Nghiêm Bắc Giang

Tu viện Vĩnh Nghiêm quận 12 không chỉ mang những giá trị văn hóa tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ dấu ấn kiến trúc đậm nét Đại Việt. Từ khi được khánh thành năm 2020, tu viện luôn thu hút đông đảo Phật tử, người dân cũng như khách du lịch tới dâng hương, vãn cảnh chùa và cảm nhận sự những giây phút thanh tịnh giữa Sài Gòn xa hoa và tấp nập.

Tu viện Vĩnh Nghiêm quận 12 không chỉ mang những giá trị văn hóa tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ dấu ấn kiến trúc đậm nét Đại Việt. Từ khi được khánh thành năm 2020, tu viện luôn thu hút đông đảo Phật tử, người dân cũng như khách du lịch tới dâng hương, vãn cảnh chùa và cảm nhận sự những giây phút thanh tịnh giữa Sài Gòn xa hoa và tấp nập.

Hướng dẫn đi đến Tu viện Vĩnh Nghiêm

Tu viện Vĩnh Nghiêm cách xa trung tâm Sài Gòn khoảng 15km. Nằm một vị trí ngoại thành, cách xa với trong trung tâm. Nhưng đường đi cũng khá dễ dàng, một vài hướng dẫn như sau:

Từ trung tâm Sài Gòn, bạn đi theo hướng Tây Bắc, hướng từ Trường Chinh về Phan Huy Ích. Đến vòng xuyến, bạn đi theo lối vào Xa lộ Hà Nội tới Thủ Đức. Tiếp tục đi khoảng 4,3km nữa. Bạn tiếp tục rẽ trái vào đường Lê Văn Khương. Và đi thêm 1,4km, bạn rẽ trái vào đường HT31. Tại đây, bạn đi thêm khoảng 300m nữa sẽ thấy tu viện Vĩnh Nghiêm nằm bên phía tay trái. Để thuận tiện trong việc di chuyển, bạn nên dùng sự hỗ trợ của Google Maps

Hoặc bạn có thể di chuyển đến đây bằng xe bus. Các tuyến xe bus có thể đến Tu viện Vĩnh Nghiêm như xe bus số 36,62,48,146 và 78. Các tuyến xe đều dừng lại ở trạm gần chùa và đi bộ vào một khoảng cũng không quá xa.

Bạn có thể di chuyển bằng xe máy tự túc. Tu viện có bãi giữ xe máy miễn phí kế bên rộng rãi, thoáng đạt. Ngoài ra bạn có thể đến bằng các phương tiện công cộng khác như grab, taxi,...

Nên ghé Tu viện Vĩnh Nghiêm khi nào

Thời gian lý tưởng để ghé thăm Thành phố Hồ Chí Minh và Tu viện Vĩnh Nghiêm khoảng từ tháng 12 đến tháng 4, là mùa khô. Khung thời gian này đem lại cơ hội để khám phá thành phố. Trái ngược với những lúc mùa mưa bão, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Du khách nên nắm rõ tình hình của thời tiết để có những trải nghiệm và tham quan tuyệt vời nhất.

Bên cạnh đó bạn có thể đến đây vào các dịp Lễ lớn của Phật giáo như. Lễ Phật đản 15/04 âm lịch hay Lễ Vu lan 15/07 âm lịch hàng năm. Vào các dịp lễ này tu viện đều tổ chức để cho du khách hay Phật tử thập phương quy tụ về viếng chùa cũng như lễ bái

Các chi tiết tinh xảo, độc đáo trong tu viện Vĩnh Nghiêm

Từ xa nhìn lại phía Chánh điện, kiến trúc 8 mái đao cong quen thuộc mà du khách có thể bắt gặp tại những công trình như: Đền Ngọc Sơn, chùa Tam Chúc hay chùa Ba Vàng. Điểm nhấn được biệt trên phần mái là hình rồng chầu được điêu khắc công phu. Phần mái ngói đỏ, kết hợp với màu xám các chi tiết, lại được treo thêm những chiếc đèn lồng, tạo nên tổng thể một ngôi chùa  uy nghi nhưng cũng rất đỗi quen thuộc.

Cầu thang dẫn lên Chánh điện chùa tu viện Vĩnh Nghiêm quận 12 được điêu khắc hình rồng cùng nhiều mảng họa tiết công phu. Chính giữa cầu thang có chạm một chiếc trống đồng màu vàng với các hoạt tiết đặc trưng như ngôi sao trung tâm – đại diện cho mặt trời, nguồn năng lượng thiên nhiên tối cao, chim lạc, chim hồng – khát vọng vươn tầm, các loài hươu, nai,…

Khác với nhiều những ngôi chùa trong cả nước, tất cả các bức hoành phi, đối liễn trong tu viện đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, thay vì chữ Nôm hoặc chữ Hán. Sự thay đổi này không chỉ dễ dàng cho Phật tử tới hành hương, hay du khách trong hành trình tham quan, mà còn hướng tới một ngôi chùa Thuần Việt tới từng chi tiết.

Đặt tay trên những lan can tại tu viện Vĩnh Nghiêm được làm bằng đá xanh hoài cổ, du khách có thể nhìn thấy những hình ảnh rất quen thuộc như hoa sen, mây, Tứ linh, con gà, quả mướp – những vật liên quan tới quá trình tu tập. Cùng với đó là những thành ngữ, tục ngữ quen thuộc với người Việt hay lời Phật dạy cũng được điêu khắc lên trên đá, đặc biệt là lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị sáng tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Bên trong tu viện Vĩnh Nghiêm q12, du khách có lẽ sẽ ngỡ ngàng bởi kiến trúc tinh xảo và đồ sộ. Tu viện cố gắng tối đa các công trình gỗ thật, với mong muốn gìn giữ một nghề truyền thống. Từ hàng cột trụ bằng gỗ, các tượng pháp cũng được gia công tại Việt Nam. Các chi tiết trong văn hóa truyền thống Việt như Tứ linh, mai, lan, cúc, trúc cũng được lồng ghép tinh tế. Để tăng thêm giá trị, các bức tượng pháp, hoành phi, câu đối hay những mảng họa tiết được sơn son thếp vàng, tạo nên vẻ xa hoa nhưng không mất đi vẻ tôn nghiêm của một ngôi chùa.

Một trong những điểm thú vị nhất trong thiết kế của tu viện Vĩnh Nghiêm có lẽ là những bức Phi Thiên được khắc trên gỗ. Vốn dĩ những bức Đôn Hoàng Phi Thiên là hình ảnh gắn liền với con đường tơ lụa, mang dấu ấn văn hóa Trung – Ấn. Nhưng tu viện lại chọn chạm trổ theo khuôn mặt rất Việt Nam, kết hợp cùng áo tứ thân – trang phục của người phụ nữ miền Bắc thế kỷ XX.

Tu Viện Vĩnh Nghiêm đã được cấp phép xây dựng vào tháng 8 năm 2009, sau gần mười năm nộp đơn xin phép với đủ các loại thủ tục. Chúng tôi quyết định dựng một ngôi chùa gỗ kiến trúc đúng theo truyền thống châu thổ sông Hồng; một công trình tâm linh, văn hóa thật tinh tế và kỹ lưỡng để lại cho thế hệ sau.

TT. Thích Giác Dũng, Sơ đại Tu viện trưởng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

Năm 1971, HT. Thích Tâm Giác (1917- 1973) khi đó là Chánh Đại diện Miền Vĩnh Nghiêm đã tìm và mua được 12 héc-ta (120.000m2) đất xã Tân Thới Hiệp, tổng Bình Thạnh Trung, tỉnh Gia Định để xây dựng một ngôi đạo tràng quy mô xứng tầm với sự phát triển của tông môn pháp phái cũng như sự phát triển của Phật giáo nước nhà.

Ngôi chùa phải có nghĩa trang rộng lớn liền kề để tạo điều kiện cho phật tử và bà con có nơi thuận tiện an táng, chăm sóc mồ mả người thân theo truyền thống ngàn đời của người dân Việt. Công việc đang tiến hành, vô thường chợt đến, ngày 20 tháng 10 năm Quý Sửu (14/11/1973) Hòa thượng xả bỏ nhục thân.

Thể hiện tình linh sơn cốt nhục đối với Ngài, HT. Thích Thanh Kiểm (1920-2000), đồng khai sơn và Trụ trì đời thứ hai của Tổ đình Vĩnh Nghiêm, đã an táng và xây dựng lăng mộ cúng dường Ngài tại vị trí đầu khu đất (thuộc góc đường Lê Văn Khương và Chung Thị Minh hiện nay).

Năm tháng qua mau, vật đổi sao dời. Sau năm 1975, chính quyền địa phương (nay là xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn) trưng dụng phần lớn khu đất của chùa (khoảng 100.000m2) để thành lập hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng trường tiểu học Nguyễn Trãi, trường trung học phổ thông Võ Trường Toản, và Phòng Giáo dục Quận 12. Đất của chùa chỉ còn lại 20.000m2; trong đó, 4.000m2 được dùng để canh tác lấy hoa lợi mua nhang đèn cúng Phật, còn 16.000m2 chia đều cho 16 nhân khẩu lúc bấy giờ của Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn và gian khổ đó, HT. Thanh Kiểm cùng các đệ tử đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm với mảnh đất này. Hằng ngày, từ sáng sớm, Ngài cùng các đệ tử đạp xe từ Tổ đình Vĩnh Nghiêm lên đây (khoảng 14km) để cuốc đất trồng rau, buổi chiều đạp xe quay về.

Gian khổ thì vô kể, chỉ kể lại câu chuyện thật mà như đùa. Một hôm trên đường về, đệ tử chạy xe đạp chở Hòa thượng ngồi sau, chạy một hồi sao bỗng thấy nhẹ quá, quay lại thì không thấy Ngài đâu hết. Đệ tử quay xe tìm, chạy một hồi thật xa mới thấy Hòa thượng đang ngồi bệt dưới đất, kế bên là bao khoai lang (mới đào ở khu đất đem về Tổ đình Vĩnh Nghiêm cải thiện bữa ăn cho chư Tăng)!

Hóa ra khi xe chạy qua ổ gà (phải gọi là ổ trâu hay ổ voi mới đúng), bị sốc, Hòa thượng tay ôm bao khoai lang, không vịn chắc yên xe nên bị hất văng xuống đất, đã vậy còn bị bao khoai đè lên chân. Một phần vì cuốc đất cả ngày đã quá mệt, một phần vì đói, một phần vì đau nên Hòa thượng không còn sức để kêu!

Vậy mà, Hòa thượng vẫn kiên trì, bền chí, ròng rã hơn 5 năm cần mẫn, miệt mài đổ mồ hôi tưới tẩm mảnh đất này! Hôm nay, hằng ngày chạy xe qua cung đường này, nghĩ đến tình cảnh khi xưa của Thầy Tổ, tự nhiên khóe mắt cay cay…

Cũng trong thời gian này, vào tháng 1 năm 1978, HT. Thích Bảo Nghiêm (hiện là đương kim Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN) và HT. Thích Thanh Lương (Nam Định) vào Nam thăm Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Thời gian đó đi lại rất khó khăn, không có máy bay, đi xe đò hay xe lửa cũng phải xin giấy phép, chưa kể tiền vé trong thời gạo châu củi quế thì không ai dám nghĩ tới.

HT. Bảo Nghiêm cùng HT. Thanh Lương đã trải qua một tuần lễ canh tác trên mảnh đất này. HT. Bảo Nghiêm vẫn thỉnh thoảng nhắc lại kỷ niệm: “Sáng ăn vài bát ngô (bắp)(1) xong đạp xe cùng với HT. Thanh Kiểm từ Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Quận 3) lên xã Tân Thới Hiệp, Hóc Môn cuốc đất trồng rau. Trưa ăn qua loa bát mì hay củ khoai, xong cuốc đất tới chiều lại đạp xe về Quận 3”.

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, khó khăn cũng theo năm tháng qua đi. Đất nước bước vào vận hội mới, tháng 11 năm 1981, GHPGVN được thành lập, HT. Thanh Kiểm lại trở về thư phòng bên nghiên mực, lặng lẽ dịch từng trang kinh Phật, thổi hương thơm vào đời nuôi dưỡng tâm hoa bao thế hệ, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ soi đường bao kẻ cùng tử tha phương! Mảnh đất đã thấm đẫm mồ hôi và in bao dấu ấn năm xưa, Ngài trao lại cho thế hệ sau tiếp tục xây dựng.

Một lần nữa, đất và người tiếp tục viết nên bao kỷ niệm buồn vui. Thầy Thanh Phong (hiện Trụ trì đời thứ ba của Tổ đình Vĩnh Nghiêm), Thầy Đức Thiện (hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN), Thầy Giác Hiệp (hiện là Ủy viên HĐTS GHPGVN), Thầy Nguyên Thành (hiện là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên), Thầy Chiếu Tạng (hiện là Trụ trì chốn Tổ Trung Hậu, Phó BTS GHPGVN Tp.Hà Nội), Thầy Thiện Hiền, Thầy Chiếu Đăng, Thầy Nguyên Chân, Thầy Nguyên Đạo, Thầy Nguyên Cao, Thầy Tâm Đạt, v.v…bắt đầu trồng cây gây rừng để giữ đất.

Hàng ngày, Thầy Thanh Phong chạy xe gắn máy lên Trảng Bom, Tây Ninh mua cây giống về trồng. Vì xe đã xuống cấp, nên trước khi chạy, Thầy phải mua một miếng đá lạnh gói vào một cái khăn, áp vào máy xe để giữ cho máy xe mát, không bị tắt giữa đường. Một khoảng thời gian rất dài, Thầy Thanh Phong phải chạy đi chạy về giữa Quận 12 và Tây Ninh bằng cách như vậy mới vận chuyển số cây giống đủ trồng hết khu đất.

Ngày ấy chưa có điện, nước nên các huynh đệ phải tự đào giếng, xong kéo nước giếng lên tưới cây. Trồng, tưới được đầu này thì chết đầu kia. Ban trưa thì lấy nước giếng đọng lại trong các lu nước của Niệm Phật đường để nấu mì. Cứ như vậy, xoay đi vần lại, phải mất mấy năm trời mới phủ xanh được 20.000m2 đất.

Năm 1999, HT.Thích Thanh Kiểm một lần nữa nộp đơn xin xây dựng chùa. Thủ tục đang tiến hành thì cuối năm 2000 Ngài viên tịch. Kế tiếp đèn Thiền, thực hiện di nguyện của Tổ Thầy, Thầy Thanh Phong lại tiếp tục nộp đơn xin xây dựng chùa. Sau khi Nhà nước mở đường, khu đất thực tế chỉ còn lại 17.000m2 thuộc phường Hiệp Thành, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau gần mười năm nộp đơn xin phép với đủ các loại thủ tục, cuối cùng, vào tháng 8 năm 2009, Tu Viện Vĩnh Nghiêm đã được cấp phép xây dựng.

Trong thời gian còn đang du học ở Nhật, tôi vẫn thường xuyên liên lạc về Việt Nam trao đổi với Thầy Thanh Phong rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng: danh xưng, quy mô, chức năng,… Cuối cùng, chúng tôi thống nhất xây dựng một ngôi tự viện mang dấu ấn văn hóa Đại Việt, lấy tên gọi Tu viện Vĩnh Nghiêm để đền đáp ơn đức sâu dầy của Tổ Thầy.

Năm 2009, được sự chỉ dạy của Chư Tôn đức Giáo phẩm Tổ đình giao trách nhiệm trông coi việc xây dựng Tu viện, tôi hồi hương sau 15 năm du học ở Nhật. Nói thật sự, khi đó, phụng mệnh Tăng sai, kính trọng sự tín nhiệm của chư Tôn đức Giáo phẩm và mong muốn báo đáp ân đức của Tổ Thầy mà trong lòng rất lo lắng, không dám nghĩ sẽ hoàn thành được vì diện tích khu đất quá lớn và kinh phí xây dựng quá nhiều.

Khởi đầu có chút áp lực căng thẳng, với tâm nhiệt thành, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào vẽ sơ đồ, bố trí các công trình xây dựng. Duyên lành hy hữu đã đến, anh Phạm Anh Dũng phát tâm cúng một số kinh phí để xây dựng Tu viện.

Chúng tôi quyết định dùng số tịnh tài đó mua 200m3 gỗ giáng hương để dựng Chánh điện với suy nghĩ giáng hương là loại gỗ quý, màu sắc đẹp và có hương thơm dễ chịu, xứng đáng dùng để trang nghiêm Chánh điện. Tuy trước đây có thời gian ngắn làm thợ mộc nhưng chưa có kinh nghiệm dựng chùa bằng gỗ, tôi cứ tưởng 200m3 đó đủ dựng cả Chánh điện.

Không ngờ, sau này mua thêm 200m3 nữa cũng chỉ đủ làm dàn cột, cửa và vách xung quanh. Phần rui, mè của Chánh điện và các công trình khác như Tổ đường, tháp chuông, tháp đức Quan Âm, Khai sơn đường, phương đình cổng tam quan, nhà bia phải cần thêm mấy ngàn khối gỗ căm xe nữa mới đủ.

Ngày 26/09/2009 (08/08/Kỷ Sửu) công trình xây dựng Tu viện Vĩnh Nghiêm được chính thức khởi công. Số tiền khi xưa Nhà nước đền bù để mở đường, di dời cổng Tam quan, Thầy Phong giao hết cho chúng tôi làm kinh phí xây dựng Tu viện - vừa xây được nền móng Giảng đường và Trai đường thì hết. Tôi bèn vác túi đi xin. Xin không được lại đi mượn. Nhưng mượn cũng không xong. Thế là công trình phải mất hai năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”!.

Viết tới đây, lòng tôi tràn ngập niềm biết ơn vô hạn đối với sư huynh của tôi – Duyên lành hy hữu của tôi trong cuộc đời này. Năm 10 tuổi tôi vào cửa Không tập sự. Ba năm sau, thế sự thăng trầm, Thầy tôi đi xa mãi mãi. Trong giai đoạn khó khăn muôn mặt, sư huynh đã cưu mang và mớm cho tôi từng con chữ.

Chữ nghĩa tôi có được ngày hôm nay phần nhiều là do sư huynh tôi chỉ dạy hơn 40 năm trước. Khi thấy tôi xây dựng Tu viện gặp khó khăn, đi mượn không ai cho mượn, phải ngưng thi công, thế là, cứ vài tháng, dành dụm được bao nhiêu, sư huynh lại mang lên cho tôi, âm thầm và đều đặn như thế cho tới ngày Tu viện hoàn thành.

Ngẫm lại, cuộc đời tôi sinh ra không phải dưới một ngôi sao tốt hay ngôi sao xấu mà sinh đúng chữ Duyên: Chữ Duyên trong Nhân Duyên của nhà Phật.

Năm 2012, Mẹ tôi qua đời. Xen lẫn trong nỗi đau mất đi người Mẹ hiền kính yêu lại là niềm tự hào và kính trọng của anh em chúng tôi trước lòng thuần thành kính tin Tam Bảo và hết mực yêu thương con của Mẹ. Chính sự hiểu đạo và tình yêu thương bao la của Mẹ lại một lần nữa mang đến Duyên lành hy hữu cho tôi.

Trước khi ra đi, Mẹ cung tiến cúng toàn bộ tài sản để xây dựng Tu viện. Và theo lời phó chúc của Mẹ, các anh và em của tôi, mỗi người một tay, góp công góp của để tiếp tục công việc xây dựng Tu viện cho tới khi hoàn thành. Lần tái khởi động này cũng được sự tiến cúng của chư Tăng, Ni và Phật tử gần xa nên Tu viện được hoàn thành mỹ mãn như ngày nay.

Tiếp tục với câu chuyện xây dựng Tu viện. Chúng tôi quyết định dựng một ngôi chùa gỗ kiến trúc đúng theo truyền thống châu thổ sông Hồng; một công trình tâm linh, văn hóa thật tinh tế và kỹ lưỡng để lại cho thế hệ sau. Chúng tôi nghĩ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, ngành nghề dựng nhà gỗ và chạm trổ hoa văn sẽ thất truyền vì nguyên vật liệu không còn. Do đó, chúng tôi cố gắng hết mức thực hiện các công trình gỗ thật chu đáo và tỉ mỉ.

Về chi tiết hoa văn chạm trổ, dĩ nhiên vẫn theo những họa tiết truyền thống như mai, lan, cúc, trúc; long, ly, quy, phụng,… nhưng chúng tôi luôn cố gắng sử dụng những họa tiết, những hoa văn thể hiện nét đặc trưng văn hóa Việt Nam thời hiện đại, thí dụ như hình ảnh phi thiên. Phi thiên được tìm thấy rất nhiều ở những di tích dọc theo Con đường tơ lụa mang dấu ấn văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong khi đó, Phi thiên ở Tu viện mang nét đặc trưng của con người Việt Nam và mặc áo tứ thân truyền thống. Ngay cả tượng pháp chúng tôi cũng cho tạc tại Việt Nam. Chúng tôi quan niệm rằng cần phải tôn vinh tay nghề người thợ Việt Nam. Có thể tượng chưa đẹp, chưa sắc sảo bằng tượng được tạc ở nước khác nhưng là tượng của Việt Nam, do bàn tay người thợ Việt Nam tạc nên.

Chúng tôi tin rằng nhiều năm sau, thậm chí trăm, ngàn năm sau, các thế hệ nối tiếp khi chiêm bái những tôn tượng này, sẽ tự hào và xúc động khi biết rằng đó là tôn tượng được điêu khắc bởi bàn tay và khối óc của người thợ Việt Nam.

Khi đi vào phần trang trí chi tiết, nhất là phần hoành phi câu đối mới lao tâm khổ tứ. Nhiều đêm, chúng tôi mất ngủ vì phải suy nghĩ, cân nhắc chọn lựa giữa chữ Hán và chữ Việt, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa đa số và thiểu số… Giữa hai bến bờ đó chúng tôi chỉ được phép chọn một.

Cân nhắc cẩn trọng, cuối cùng chúng tôi quyết định dùng chữ Việt để làm hoành phi câu đối: tuy thiểu số, có thể lạc lõng ở thời điểm hiện tại ban đầu nhưng là cái thiết thực, nhiều lợi ích lâu dài, cái mà cha ông gọi là “Văn dĩ tải Đạo” (chữ nghĩa được dùng để truyền tải chân lý).

Hơn 7 thể kỷ trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) đã tiên phong trong việc sử dụng chữ Nôm là Quốc ngữ lúc bấy giờ, để viết nên tác phẩm Cư Trần Lạc Đạo Phú. Những câu văn biền ngẫu của Ngài ý thật hay, lời thật đẹp, đối rất chỉnh, nghĩa rất rõ:

Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương Di Đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.

Câu đối nghe rất nhẹ nhàng như đang giải thích từ ngữ một cách đơn giản dễ hiểu, đưa người đọc vào cõi Tịnh.

Tất cả câu đối trong Phật điện và Tổ đường đều được trích từ Cư Trần Lạc Đạo Phú.

Lại nói đến chữ Duyên. Khi khởi động lại xây dựng Tu viện, dự kiến phải cần một nguồn kinh phí khá lớn nên chúng tôi quyết định giai đoạn 1 chỉ xây dựng các công trình chính như Phật điện, Tổ đường, Giảng đường, Trai đường,… còn Tăng xá sẽ thi công vào giai đoạn 2.

Bỗng một hôm, có Duyên lành tình cờ được gặp HT.Thích Thiện Nhơn (đương kim Chủ tịch HĐTS GHPGVN) tại sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi thăm hỏi việc xây dựng, Ngài dạy: “Đất rộng, có điều kiện nên xây dựng Tăng xá để làm chỗ đào tạo Tăng tài, đúng với tên gọi Tu viện Vĩnh Nghiêm”. Lời Hòa thượng chỉ dạy khiến tôi bừng ngộ.

Thế là chúng tôi lại gồng mình xây dựng thêm hai dãy Tăng xá: Đông đường và Tây đường với 32 phòng ở cho chư Tăng. Khi vừa xây xong, Tu viện có Duyên lành được cung đón HT.Thích Trí Quảng (Viện trưởng Học viện PGVN tại Tp.HCM, đương kim Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN) ghé thăm. Sau khi được biết tôi từng học chuyên ngành Luật học Phật giáo tại Nhật Bản, Ngài dạy nên mở khoa Luật học Phật giáo tại đây vì Luật học là một ngành cần thiết cho mọi lúc mọi nơi.

Ngày 23 tháng 4 năm 2020, khoa Luật học Phật giáo thuộc Học viện PGVN TP.HCM được thành lập và tôi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa.

Tháng 12 năm 2020, Khoa Luật học Phật giáo chính thức hoạt động đón Tăng sinh nhập học và nội trú tại Tu viện Vĩnh Nghiêm - Cơ sở 3 của Học viện PGVN TP.HCM.

Không có ngôn từ nào diễn tả được trọn vẹn niềm vui của tôi: Được Thầy Tổ gia hộ, chư tôn Thiền đức đương thời giáo huấn, giúp tôi thực hiện được một việc làm có ý nghĩa to lớn khi bóng đã về chiều!

Từ ngày cắt bỏ mái tóc xanh đến nay đã gần 50 năm, tôi như viên bi, lăn hết cảnh chùa này sang cảnh chùa khác, lớn có nhỏ có, trong Nam có ngoài Bắc có. Do lăn lóc nhiều quá, viên bi không còn tròn trịa như xưa, không còn lăn được nữa hay vì đã đến tuổi Nhĩ thuận, không còn sức khỏe để lăn, tôi dừng chân chốn này. Có lẽ Đất đã chọn tôi.

Trên mảnh đất này, tôi cảm nhận được hương ảnh, tâm nguyện, mồ hôi và công sức của Tổ Thầy, của huynh đệ bao thế hệ. Tôi nhớ đến Sư phụ - Người đã đưa tôi vào Đạo, nhớ đến cha mẹ đã cho tôi vào đời, nhớ đến sư huynh, anh, em đã giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của Thầy Tổ để lại. Tôi thành tâm tri ân phật tử thập phương và bao anh em thợ đã ngày đêm xây dựng nên Tu viện này. Hương xưa vẫn đọng chốn này và sẽ nuôi dưỡng tâm hoa hậu thế.

CHÚ THÍCH: (1) Thời đó lương thực cực kỳ thiếu thốn. Một năm 365 ngày thì 364 ngày phải ăn độn: bo bo, bột mì, khoai lang, khoai mì, ... Chỉ có ngày Mùng Một Tết mới nấu cơm trắng để cúng ông bà tổ tiên thì con cháu mới được ăn cơm trắng! Có sống trong thời gian đó, người ta mới thực sự hiểu thế nào là “Gạo châu củi quế”!